Bài viết

slogan3

Sỏi tiết niệu

  

image-soitietnieu

Sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu là những khối rắn được hình thành và hiện diện trong hệ tiết niệu như: thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Sỏi có thể to hoặc nhỏ, nhiều hoặc ít và có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí trên đường tiết niệu. Tùy theo kích thước, vị trí và tính chất của sỏi mà các triệu chứng và biến chứng biểu hiện khác nhau ở mỗi người.

 

Sỏi tiết niệu được phân loại như thế nào?

Theo vị trí của sỏi

·       Sỏi thận (bể thận, đài thận, đài bể thận): chiếm 40%. 

·       Sỏi niệu quản (1/3 trên, 1/3 giữa, 1/3 dưới): chiếm 28%. 

·       Sỏi bàng quang: chiếm 26%. 

·       Sỏi niệu đạo: chiếm 4%.

 Theo thành phần hoá học của sỏi

Sỏi vô cơ

·       Sỏi oxalat canxi: hay gặp, có màu đen, sần sùi, cản quang rõ. 

·       Sỏi photphat canxi: có màu vàng nhạt hoặc trắng bẩn, dễ vỡ. 

·       Sỏi cacbonat canxi: có màu trắng như màu phấn, mềm, dễ vỡ. 

Sỏi hữu

·       Sỏi urat: màu trắng gạch cua, có thể không cản quang, mềm, hay tái phát. 

·       Sỏi systin: trơn láng, màu vàng nhạt, mềm, hay tái phát. 

·       Sỏi struvic: có màu vàng trắng 

Người Việt Nam thường gặp sỏi vô cơ, trong đó sỏi oxalat canxi chiếm > 80% và sỏi thường tồn tại dưới dạng hỗn hợp đan xen giữa các thành phần hoá học.

 

Biểu hiện sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển hoặc gây tắc nghẽn. Các biểu hiện thường gặp là:

Đau thắt lưng: 90% bệnh nhân gặp phải triệu chứng này.

     -  Đau cấp tính: Điển hình là cơn đau quặn thận. Cơn đau xuất hiện đột ngột khi đang lao động, vận động hoặc đi xe dằn sốc. Đau ở vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn, sinh dục. Đau dữ dội, từng cơn và thường không có tư thế giảm đau.

  •      -  Đau mạn tính: bệnh nhân có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), đau tăng lên khi vận động.

Đái ra máu: đái máu vi thể (mắt thường không nhìn thấy) hoặc đái máu đại thể (nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục) sau lao động, vận động.

Đái ra sỏi: ít gặp và thường là những trường hợp sỏi còn nhỏ

Đái ra mủ: nước tiểu đục như sữa

Đái buốt, đái gắt: khi có nhiễm khuẩn niệu

Sốt: gặp khi bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn niệu và thường là sốt cao kèm rét run

Vã mồ hôi, nhức đầu, nôn và buồn nôn

Huyết áp tăng cao

Dấu hiệu chạm thận (+), bập bềnh thận (+): khi thận giãn to.

Dấu hiệu rung thận (+): khi thận ứ mủ.

  

Các biến chứng của sỏi tiết niệu

Thận ứ nước: Sỏi tắc nghẽn gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó gây ứ nước ở thận.

Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: như viêm bể thận, viêm khe thận, viêm bàng quang, niệu đạo. Trường hợp viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng sơ teo thận, tăng huyết áp.

Suy thận: ứ nước kéo dài làm căng giãn đài bể thận và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận. Có thể  gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng, nhẹ khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí, kích thước và số lượng sỏi.

 

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu là gì?

Nguyên nhân hình thành sỏi hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều nhà khoa học cho rằng sỏi hình thành do sự kết tinh các chất khoáng trong nước tiểu khi thành phần nước tiểu bị biến đổi, lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao.

Các yếu tố thúc đẩy hình thành sỏi gồm:

·       Uống ít nước, mất nước. 

·       Tiền sử gia đình có người bị sỏi đường tiết niệu. 

·       Thói quen ăn uống: ăn nhiều muối, đường, đạm, thực phẩm giàu canxi… 

·     Dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophyline, vitamin D, vitamin C... 

·       Ra mồ hôi nhiều làm cho nước tiểu bị cô đặc. 

·       Dị dạng bẩm sinh hay mắc phải của đường tiết niệu. 

·       Phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ. 

·       Nằm một chỗ sau chấn thương nặng không thể đi lại. 

·       Bị nhiễm khuẩn vùng sinh dục tái đi tái lại, lâu dần sẽ tạo ra mủ và lắng đọng các chất cặn hình thành nên sỏi. 

·       Nam dễ mắc bệnh hơn nữ. 

·       Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người gốc phi 

Làm thế nào để phát hiện sỏi tiết niệu?

Đối với sỏi tiết niệu nhỏ, chưa gây tắc nghẽn và chưa biểu hiện triệu chứng, bệnh thường được phát hiện sớm qua siêu âm bụng tổng quát.

Trường hợp sỏi lớn, nhiều, di chuyển và gây tắc nghẽn hệ tiết niệu, bệnh nhân thường biểu hiện một số triệu chứng như mô tả bên trên và sỏi thường được xác định dựa vào:

·       Siêu âm bụng tổng quát. 

·       Chụp X quang cản quang hệ niệu. 

·       Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra các tinh thể, tế bào máu, vi khuẩn. 

·       Xét nghiệm urê và creatinin máu để đánh giá chức năng thận. 

·       Xét nghiệm máu định lượng canxi, phospho, acid uric và chất điện giải… 

·       Chụp MRI vùng thận và bụng. 

Điều trị sỏi tiết niệu như thế nào?

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc là chỉ định cần thiết đối với người mắc sỏi tiết niệu có kích thước nhỏ (< 5mm) và chức năng thận còn tốt hoặc người bệnh không thực hiện phẫu thuật được.

Các nhóm thuốc thường dùng trong điều trị sỏi tiết niệu:

·       Thuốc giãn cơ trơn: giúp giảm co thắt đường niệu và tăng lưu thông đường niệu nhằm tống sỏi ra ngoài. 

·       Thuốc giảm đau: giúp giảm đau khi có cơn đau cấp tính hoặc mạn tính do sỏi gây ra. 

·       Thuốc kháng sinh: khi có biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. 

·       Thuốc làm tan sỏi: tùy theo loại sỏi mà bác sỹ sẽ chỉ định các thuốc thay đổi pH nước tiểu nhằm làm tan sỏi. 

·      Thảo dược: một số tinh chất chiết xuất từ thảo dược được các nhà khoa học đánh giá cao về khả năng lợi tiểu, thông niệu, giúp bào mòn sỏi hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần như: kim tiền thảo, râu ngô, mã đề… 

Ngoài ra người bệnh nên thay đổi một số thói quen có lợi nhằm làm hạn chế nguy cơ tái tạo sỏi như:

·       Uống nước thường xuyên. 

·       Chế độ ăn giảm: muối, đường, đạm, thực phẩm chứa canxi… 

·    Hạn chế dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophyline, vitamin D, vitamin C... 

·       Bổ sung nước khi ra mồ hôi nhiều. 

·       Tránh tình trạng nhiễm khuẩn vùng sinh dục tái đi tái lại.

 

Điều trị phẫu thuật

Trường hợp sỏi lớn gây tắc nghẽn hoặc gây các triệu chứng, biến chứng ở hệ tiết niệu, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật lấy sỏi ra.

Các phẫu thuật điều trị sỏi tiết niệu hiện nay:

·    Tán sỏi ngoài cơ thể (Extracorporeal Shock Wave Lithotripsy – ESWL): sử dụng năng lượng thủy lực điện trường phá vỡ viên sỏi và để dễ dàng tống sỏi ra ngoài. 

·    Tán sỏi nội soi ngược dòng (Ureteroscopy – URS): sử dụng năng lượng laser, siêu âm hoặc thủy lực để tán sỏi nội soi từ dưới bàng quang lên niệu quản. 

·    Tán sỏi qua da: Qua chọc dò thành bụng, nhu mô thận vào trong thận, máy nội soi được đưa vào và tán sỏi, sau đó hút sỏi ra ngoài. 

·     Mổ nội soi sau phúc mạc: thường áp dụng khi sử dụng các phương pháp trên nhưng không hiệu quả hoặc không có đủ điều kiện thiết bị để thực hiện các can thiệp ít xâm lấn trên. 

·       Mổ mở lấy sỏi: thường áp dụng với sỏi bàng quang có kích thước lớn.

 Nguồn internet